Hotline: 0989.989.989    |   Liên hệ        
| 25/07/2019, 07:42 pm |

Chậm rãi là một loại trí tuệ.


Trong thời đại bận rộn mau lẹ này, dường như ai làm việc gì cũng mong muốn một công đôi việc. Trong bận rộn chúng ta tìm được giá trị bản thân, nhưng rất nhiều khi vì muốn nhanh chóng thành công mà rơi vào cảnh khốn khó của “dục tốc bất đạt”.


Hình ảnh có liên quan


Vậy, làm thế nào mới có thể tránh được cái bẫy của cuộc sống hiện đại này?

Căn bệnh chung của con người hiện đại là quá vội vàng, chúng ta luôn chạy đua với thời gian, làm việc gì cũng phải nhanh, dường như chậm một phút là sẽ thua cả cuộc đời vậy.

Ăn bữa sáng phải nhanh, nếu không sẽ muộn giờ làm. Hẹn hò phải nhanh, để còn kịp trở về làm thêm ca. Đi du lịch cũng phải nhanh, cưỡi ngựa xem hoa mà ngắm cảnh, vậy mới không bị trễ lịch trình.

Truy cầu “nhanh nhanh chóng chóng” khiến chúng ta bỏ lỡ rất nhiều cơ hội tốt đẹp. Khi chúng ta đang tất bật vì cuộc sống thì cuộc sống lại dần dần bỏ chúng ta mà đi.

Khổng Tử nói: “Không muốn nhanh, không nhìn cái lợi nhỏ, muốn nhanh thì không đạt được, ham cái lợi nhỏ thì việc lớn không thành”.

Làm việc thì không nên mù quáng truy cầu tốc độ, không nên muốn mau chóng thành công mà truy cầu cái lợi trước mắt. Chỉ có tích lũy nhiều mới trọn vẹn, bởi vì điều kiện quan trọng hàng đầu của thành công là tích lũy, lấy ít làm nhiều, lấy chậm làm nhanh.

Dục tốc bất đạt

Câu “Dục tốc bất đạt” có nguồn gốc từ Luận Ngữ, là câu nói của Khổng Tử với học trò Tử Hạ.

Tử Hạ được bổ nhiệm làm một chức quan nhỏ ở địa phương. Bởi cảm thấy công việc và tương lai luôn rối ren mờ mịt, Tử Hạ bèn đến bái kiến Khổng Tử, mong được thầy chỉ giáo. Sau khi nghe học trò trình bày, Khổng Tử nói: “Đã chọn theo con đường chính trị này thì nên bền lòng. Cần nhìn xa trông rộng, vững bước tiến lên, không nên cầu mau chóng thành công và cái lợi trước mắt, nếu không thì cuối cùng sẽ là dục tốc bất đạt, thậm chí tất cả nỗ lực công sức trước đó đều đổ xuống sông xuống biển cả”.


Kết quả hình ảnh cho khổng tử và tứ hạ


Tử Hạ nghe lời thầy dạy bảo bỗng bừng tỉnh ngộ. Từ đó ông làm việc cần mẫn chăm chỉ, cũng không còn nóng vội nữa.

Những người truy cầu “nhanh” đa phần đều không có kế hoạch ổn định lâu dài, thế nên muốn hoàn thành mục tiêu sẽ rất khó đạt được.

Không cầu nhanh, mà cầu thận trọng

Triệu Dự đời Minh làm quan Thái thú phủ Tùng Giang. Mỗi lần có người đến kiện tụng, Triệu Dự đều tìm hiểu rõ sự tình, nếu cảm thấy không phải việc khẩn cấp thì ông hẹn họ ngày mai lại đến.

Lâu dần người dân đều chê cười ông, trong dân gian lưu truyền câu ngạn ngữ: “Thái thú Tùng Giang ngày mai đến”. Thực ra họ không biết rằng những người đến kiện tụng phần nhiều đều chỉ vì tức khí nhất thời, sau một đêm họ có thể nguôi giận, hối hận, và không còn nghĩ đến kiện tụng nữa. 

Câu nói “ngày mai đến” là để người ta, cũng là để chính bản thân mình có thêm thời gian suy nghĩ cân nhắc. Khi chưa hiểu rõ tình hình đầy đủ thì không nên mạo muội hành động bừa bãi. Như vậy vừa có thể giúp người tự sửa chữa sai lầm, lại vừa tránh cho mình mắc sai lầm. Thận trọng từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc công việc thì không còn mối lo thất bại.

Dục tốc bất đạt, việc thế gian không có việc bận rộn nào mà không mắc sai lầm. Chỉ cần tĩnh tâm lại, xem xét kỹ lưỡng tỉ mỉ thì mới có thể hành động tùy thời.

Mưu tính sâu xa, hiếu sự ắt nhiều trắc trở

Trong lịch sử có rất nhiều người làm gì cũng muốn mau chóng thành công, nhưng cũng có người luôn suy nghĩ sâu xa, chậm rãi mà chiến thắng.

Gia Cát Lượng cày cấy ở Nam Dương, không bởi vì ông lòng đầy hoài bão mà vội vàng bước lên vũ đại chính trị. Còn Lưu Bị một lòng mưu cầu đại nghiệp, tuy thời gian quý như vàng nhưng cũng không vì đến bái kiến Gia Cát Lượng bất thành mà từ bỏ.


Kết quả hình ảnh cho luu bị



Lưu Bị và Gia Cát Lượng đều biết rõ đạo lý của “dục tốc bất đạt”. Ba lần đến lều tranh không chỉ thử thách lòng nhẫn nại của Lưu Bị mà còn hiển lộ tầm nhìn xa trông rộng của Gia Cát Lượng. Cả hai người đều biết rằng, người không thể nhẫn nại, không coi trọng nhân tài thì sẽ không thể tiến xa, càng không thể dựng lên cơ đồ vương triều Thục Hán.

Chậm rãi lại là một loại trí tuệ, lấy tĩnh chế động mới thực là trí giả

Ngày nay xã hội phát triển như vũ bão, ai nấy đều tất bật vội vã, lao vào công việc như thiêu thân thường quên mất lý do xuất phát lúc ban đầu.

Có người đi nhanh quá, đã trở thành câu tiếp theo của “dục tốc bất đạt”, trở thành “ham lợi nhỏ thì việc lớn không thành”, cuối cùng chẳng làm nên việc gì đáng giá. Chi bằng hãy bắt đầu từ hiện tại, bước từng bước chầm chậm mà vững chắc.

Chậm là chỗ dừng chân của những sự việc tốt đẹp trong cuộc sống. Việc gì cũng bao dung thì sẽ không có tranh chấp, chẳng có hung hăng, cũng chẳng còn cuống quýt. Ổn định để suy nghĩ tiến bước, chậm rãi để có thành công, đó mới là phương thức đúng đắn của cuộc sống. Chỉ có chậm rãi lại thì tâm trí mới yên định, khi tích lũy đầy đủ thì tự sẽ thành công.

Dục tốc bất đạt, tiến vọt dễ tiêu vong,
Kẻ trí Nho phong, ung dung không hấp tấp.

Cuộc sống hiện đại rối loạn phức tạp, ngày ngày đều có đủ mọi sự việc chen chân kéo đến, có vô số nhân tố bên ngoài nhiễu loạn chúng ta. Nhưng khi chúng ta tĩnh tâm lắng lòng lại, giống như người xưa, làm việc gì cũng tĩnh tâm điều hòa hơi thở, làm việc với tâm thái thuần tịnh, mục tiêu rõ ràng, làm việc thiết thực thì có lẽ sẽ thực sự là một công đôi việc, thành công gấp bội phần.


Theo Vision Times

« Quay lại



© Copyright 2020 Phulongland.com, All right reserved
® Organize Vietnam Media & Trade Event
© Ghi rõ nguồn "Phulongland.com" khi phát hành lại thông tin từ website này.
® Cơ quan chủ quản: Tổ chức Sự kiện Truyền thông & Thương mại Việt Nam